半ばは自己の幸せを、半ばは他人の幸せを

Shorinji Kempo là gì?

Sơ lược về môn võ Shorinji Kempo.


Khái yếu

Shorinji Kempo (Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp) là một môn võ đạo hiện đại Nhật Bản do Tông Đạo Thần (Sō Dōshin) sáng lập vào năm 1947 tại thị trấn Tadotsu, tỉnh Kagawa, miền Nam Nhật Bản.

Dựa trên hệ thống kỹ thuật của Bắc Thiếu Lâm Nghĩa Hòa Môn Quyền và triết học Thiền Tông học được trong thời gian sống tại Trung Quốc, Tông Đạo Thần đã xây dựng nên môn võ mới hướng tới ba mục tiêu:

  • Goshin Rentan, tức rèn luyện tự vệ;
  • Seishin Shūyō, tức tu dưỡng tinh thần;
  • Kenko Sōshin, tức cải thiện sức khỏe.

Đây là nền tảng để môn sinh Shorinji Kempo tiến tới hai mục tiêu lớn hơn:

  1. Jiko Kakuritsu, nghĩa là phát triển bản thân, xác lập địa vị trong xã hội; và
  2. Jita Kyōraku, nghĩa là cùng chung sống hạnh phúc với những người xung quanh.

Kỹ pháp

Shorinji Kempo mang những đặc trưng của một môn trường quyền với các động tác dài-rộng kết hợp với vặn hông, xoay vai để tăng tầm và lực của đòn thế. Các bước di chuyển rộng theo đường chéo cũng là một điểm nổi bật. Là môn võ tự vệ, phòng thủ – phản công, hay hộ thân thuật (goshinjutsu), Shorinji Kempo có hầu hết kỹ thuật tập trung vào việc đón/đỡ và đánh trả khi bị tấn công trước.


Nội dung

Tuy là một môn võ đạo hiện đại, Shorinji Kempo vẫn giữ nguyên vẹn phương pháp luyện tập cổ xưa của Thiếu Lâm Tự với bốn nội dung:

  • Ekkingyō (Dịch Cân Hành): gồm toàn bộ các bài tập vận động và hệ thống kỹ thuật của môn phái; đây là nội dung chiếm phần lớn thời lượng;
  • Chinkongyō (Trấn Hồn Hành): gồm các bài tập tọa thiền và hít thở;
  • Gakka (Học Khóa): gồm các bài giảng về triết học và giáo lý của môn phái; khi được giảng dạy giữa hoặc sau các buổi tập, nội dung này được gọi là Hōwa (Pháp Thoại);
  • Samu: giữ vệ sinh, dọn dẹp đạo trường và khu vực sinh sống/luyện tập.

Ekkingyō, nội dung chính trong luyện tập Shorinji Kempo lại gồm bốn phần:

  • Kihon (Cơ Bản): các vận động cơ võ thuật cơ bản như đấm, đá, nhào lộn, v.v…;
  • Hōkei (Pháp Hình): các kỹ thuật công – thủ được tập theo đôi, giúp môn sinh chuẩn bị cho một số tình huống cụ thể;
  • Embu (Diễn Vũ): hình thức biểu diễn các chuỗi động tác công-thủ do hai hay nhiều môn sinh thực hiện, nhằm cho thấy độ thuần thục và khả năng phối hợp;
  • Randori (Loạn Thủ): đối kháng (thường được luyện tập với áo giáp bảo vệ).

Hệ thống kỹ thuật (Hōkei) của Shorinji Kempo được chia làm ba nhóm chính (Tam Pháp):

  • Gōhō (Cương Pháp) bao gồm các kỹ thuật đấm, đá, đạp, nện, v.v…;
  • Jūhō (Nhu Pháp) chủ yếu tập trung vào kỹ thuật phản cầm nã, siết/bẻ khớp và quật ngã đối thủ khi bị tấn công;
  • Seihō (Chỉnh Pháp) bao gồm các kỹ thuật bấm huyệt, xoa bóp và nắn chỉnh xương khớp.

Cấp bậc

Với tính chất đặc biệt của mình, Shorinji Kempo có ba hệ thống cấp bậc độc lập để đánh giá sự phát triển toàn diện của môn sinh trong quá trình tập luyện, bao gồm:

  • Bukai – Vũ Giai: hệ thống cấp bậc về kỹ thuật, phân theo Cấp (kyu) và Đoạn/Đẳng (dan) như các môn võ đạo hiện đại khác;
  • Hōkai – Pháp Giai: hệ thống cấp bậc về hiểu biết triết học và giáo lý Kim Cương Thiền;
  • Sōkai – Tăng Giai: hệ thống cấp bậc trong Phật học, Thiền học.

Trong ba hệ thống trên, Tăng Giai chỉ dành riêng cho những người theo học tại Thiền Lâm Học Viện để trở thành nhà sư. Các môn sinh bình thường, qua các kỳ thi kỹ thuật và lý thuyết, sẽ được đánh giá và cấp Vũ Giai hay Pháp Giai tương ứng. Hai loại cấp bậc này cũng thường đi song song với nhau: môn sinh phải thi đỗ cả hai phần lý thuyết – thực hành thì mới được thăng cấp.


Tên gọi

Khi khai môn lập phái, Tông Đạo Thần muốn giữ tinh thần “uống nước nhớ nguồn” nên giữ nguyên Thiếu Lâm Tự (Shorinji) và thêm vào cụm từ Quyền Pháp (Kempo).

Trước đây, danh từ chung kempo thường được dùng để chỉ những môn võ bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng trong Shorinji Kempo, từ này hàm ý sức mạnh có được thông qua việc luyện quyền phải được sử dụng một cách đúng đắn, tuân theo Pháp.

Năm 2003, Shorinji Kempo Unity được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ các tài sản và quyền sở hữu trí tuệ của môn phái. Kể từ đó, tên môn phái được viết thống nhất trên toàn thế giới là Shorinji Kempo (không có đánh dấu trường âm như cách phiên âm tiếng Nhật phổ biến hiện nay).


Trang phục

Môn sinh Shorinji Kempo mặc đồng phục gọi là Đạo Y (Dōi) màu trắng với ống tay áo và ống quần được cắt ngắn (trên cổ tay và mắt cá chân tối thiểu 10cm).

Đạo Y tiêu chuẩn của môn phái do các nhà sản xuất được cấp chứng nhận cung cấp, có huy hiệu thêu trên ngực trái; bên vai trái có thêm phù hiệu vai.

Môn sinh từ đệ nhất đẳng trở lên được phép mặc lễ phục gọi là Pháp Y (Hōi), thường dùng trong các nghi lễ và diễn vũ.

Dụng cụ bảo vệ gồm có mũ bảo hiểm và áo giáp, chủ yếu dùng trong luyện tập đối kháng.


Ảnh: Bích hoạ trên tường Thiên Phật Điện mô tả cảnh các nhà sư Ấn Độ và Trung Hoa luyện tập cùng nhau.