半ばは自己の幸せを、半ばは他人の幸せを

Đặc trưng

Shorinji Kempo có gì khác biệt với những môn võ khác?

Ở các nước Phương Tây, Shorinji Kempo thường được gọi là “võ của triết gia”*, vì môn võ này có hệ thống giáo lý chặt chẽ dựa trên tư tưởng Thiền Tông Phật Giáo do Khai tổ Tông Đạo Thần xây dựng và đặt tên là Kongō Zen (Kim Cương Thiền). Ở một mức độ nào đó, có thể nói, Shorinji Kempo chính là phương pháp – hay phương tiện – để thực hành Kim Cương Thiền.

Trên thực tế, do điều kiện lịch sử mà ban đầu, Shorinji Kempo được đăng ký hoạt động tại Nhật Bản không phải với tư cách một môn võ đạo mà là một tôn giáo, trong đó, các kỹ thuật môn sinh luyện tập chính là các nghi thức. Qua quá trình phát triển và nhờ những thay đổi trong xã hội Nhật Bản, Shorinji Kempo ngày nay hoạt động chủ yếu như một môn võ đạo hiện đại với hệ thống liên đoàn và chi nhánh trên khắp thế giới. Bộ phận tôn giáo đã được tách riêng và hoạt động tương đối độc lập.

Shorinji Kempo có sáu đặc trưng là:

  • Ken Zen Ichinyo (Quyền Thiền Nhất Như)
  • Riki Ai Funi (Lực Ái Bất Nhị)
  • Shushu Koju (Thủ Chủ Công Tùng)
  • Fusatsu Katsujin (Bất Sát Hoạt Nhân)
  • Goju Ittai (Cương Nhu Nhất Thể)
  • Kumite Shutai (Tổ Thủ Chủ thể)

Nhiều tại liệu hiện nay thường giải thích sáu đặc trưng này độc lập nhau nhưng thực ra, chúng có liên hệ mật thiết dựa trên quan niệm âm dương ngũ hành trong văn hoá Á Đông cũng như trên nền tảng triết học Phật giáo. Con người được cho là không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đây là hai mặt đối lập nhưng tương hỗ, không loại trừ nhau. Giống như Âm chỉ tồn tại khi có Dương, và ngược lại, thể xác và linh hồn luôn luôn song hành. Shorinji Kempo được tạo ra để rèn luyện cả hai khía cạnh hồn/xác của con người. Ken (Quyền) là thể xác, Zen (Thiền) là linh hồn. Thể xác không tách khỏi linh hồn, nên luyện Quyền với luyện Thiền cũng là một. Tương tự, Lực là sức mạnh của cơ bắp, Ái là sức mạnh của tầm hồn. Hai điều này cũng không thể tách rời nhau. Bởi vậy, luyện quyền pháp không chỉ cải thiện sức khoẻ mà còn giúp con người trở nên bao dung hơn.

Hai đặc trưng tiếp theo, Shushu Koju và Fusatsu Katsujin, giải thích tính chất kỹ thuật của Shorinji Kempo nhưng vẫn dựa trên quan niệm âm dương để chỉ ra mối quan hệ giữa Công (Dương) và Thủ (Âm), giữa Sát (Âm) và Hoạt (Dương). Kỹ thuật của Shorinji Kempo, nói về ứng dụng thực tế (thể xác) thì thiên về phòng thủ, hầu như không chủ động tấn công trước, nhưng nói về mặt giáo dục (linh hồn) thì lại chủ động, hướng tới “hoạt nhân”, chứ không cổ vũ tranh đoạt hơn thua.

Hai đặc trưng cuối cùng nói về cách thức tập luyện, dĩ nhiên vẫn dựa trên quan niệm âm dương. Cương là Dương, Nhu là Âm, không tách rời. Hệ thống kỹ thuật của Shorinji Kempo có cả Cương và Nhu. Trong mỗi kỹ thuật, mỗi vận động cũng có Cương và Nhu (khi thực hiện vận động, rất hiếm khi cả cơ thể cùng căng hoặc cùng chùng, mà thường sẽ có một số cơ bắp căng lên trong khi một số khác thả lỏng). Tiếp đó, để tập luyện các kỹ thuật có cả Cương và Nhu, việc luyện tập theo đôi (Kumite) là cực kỳ quan trọng. Cách luyện tập này sẽ chia ra một người Công (Dương) và một người Thủ (Âm); một người giảng giải, người kia tiếp thu; người này hỏi, người kia đáp. Dần dần khi cả hai cùng tiến bộ, vai trò Công-Thủ/Âm-Dương này mờ nhạt đi, cuộc “nói chuyện” không còn một chiều nữa, mà cả hai người cùng “giao tiếp” thông qua vận động cơ thể, liên tục đổi vai Công-Thủ/hỏi-đáp. Đó cũng chính là Goju Ittai.


* Thinking person’s martial art.


Ảnh: Arai Tsunehiro và Yamasaki Hiromichi – hai bậc thầy nổi tiếng của Shorinji Kempo – biểu diễn tại Đại hội Kỷ niệm Thành lập Liên đoàn Shorinji Kempo Thế giới (WSKO) tại Tokyo năm 1974.

Nguồn: WSKO