半ばは自己の幸せを、半ばは他人の幸せを

Nguồn gốc của Shorinji Kempo

Thông tin chính thức dịch từ Shorinji Kempo Fukudoku-Hon.

Thị trấn Tatdotsu, dân số 20.000 người, cách thành phố Takamatsu, tỉnh Shikoku, 36km về phía tây, là nơi mà Tông Đạo Thần đặt nền móng cho Shorinji Kempo. Sau khi Nhật Bản bại trận trong Đệ nhị Thế chiến, ông đã rời Trung Quốc để trở về quê hương. Vào ngày 25 tháng Mười năm 1947, ông sáng lập môn phái Shorinji Kempo. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc tìm hiểu động lực thôi thúc ông làm việc này.

“Con người, con người! Mọi thứ đều phụ thuộc vào phẩm chất của con người”

Ngày 9 tháng Tám năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô phía vỡ phòng tuyến cuối cùng của Lục quân Đế quốc Nhật Bản và tiến vào Mãn Châu Lý, Tông Đạo Thần đang ở làng An Dương, phía đông Mãn Châu. Sau đó, vào ngày 15 tháng Tám, quân Nhật đầu hàng và chiến tranh chính thức kết thúc. Trong năm kế tiếp, Tông Đạo Thần tiếp tục sống ở Mãn Châu, nơi bị quân Liên Xô chiếm đóng. Tại đó, ông đã nếm trải sự cay đắng khi thất trận trên một đất nước khác, nơi mà lợi ích của các quốc gia được đặt lên trên giá trị đạo đức, tôn giáo và lý tưởng. Chiến tranh là việc các quốc gia chém giết lẫn nhau vì lợi ích, là nơi mà chiến thắng thuộc về kẻ được trang bị và đạo tạo tốt nhất trong việc tiêu diệt và đánh bại kẻ khác. Đó là thế giới mà sức mạnh trở thành chính nghĩa và những kẻ bại trận như Nhật Bản bị coi là xấu xa. Từ sự thật cay đắng này, ông đã tìm ra bài học mà đó, những triết lý của Shorinji Kempo dần được hình thành.

Ông nhận ra rằng, sự khác biệt về lý tưởng, tôn giáo cũng như chính trị giữa các quốc gia không phải là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Chiến tranh bắt nguồn từ suy nghĩ và tính cách của con người. “Con người, con người! Mọi thứ phụ thuộc vào phẩm chất của con người” – câu nói này của ông đã trở thành nền tảng cho mọi giáo lý của Shorinji Kempo. Chính vì những sự kiện xảy ra trên thế giới này đều xuất phát từ hành động của con người, nên để có được nền hòa bình mà tất cả chúng ta đều mong đợi, chỉ có một cách duy nhất: phát triển càng nhiều càng tốt những con người có lòng khoan dung, sự dũng cảm và yêu công lý.

Đóng góp xây dựng lại nước Nhật tan hoang thời hậu chiến

Tháng Sáu năm 1946, Tông Đạo Thần trở lại Nhật Bản, dù trước đó những người bạn Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục ông ở lại đất nước này. Tuy vậy, khi về đến quê nhà, khung cảnh ông nhìn thấy hoàn toàn khác xa với hình ảnh nước Nhật yên bình, tươi đẹp trong tâm trí ông. Nước Nhật khi đó chìm trong sự hỗn loạn, các giá trị đạo đức và lòng vị tha vốn có chỉ còn tồn tại trong ký ức. Đó là thế giới mà con người sẵn sàng làm mọi việc vì lợi ích bản thân mà không màng đến sự đau khổ của người khác. Những thành viên trong gia đình thay vì đoàn kết, đùm bọc nhau như trước kia lại quay sang cắn xé lẫn nhau. Bất công và bạo lực nổi lên như thể đạo đức, luật pháp và trật tự chưa tồn tại. Hầu hết thanh niên đã từ bỏ hoặc quên đi những giấc mơ và hy vọng của mình để trốn chạy vào thế giới của sự thỏa mãn và ham muốn nhất thời. Đó là thế giới mà con người quên đi việc nên giúp đỡ người khác, một thế giới chứa đầy hiểm họa và không có tương lại cho giới trẻ.

Tông Đạo Thần quyết tâm làm những gì mình có thể để góp phần gây dựng lại đất nước, đó là giáo dục lớp trẻ về một tương lai họ có thể nắm giữ và tạo dựng lại hình ảnh nước Nhật trong mắt các quốc gia khác. Ông nói rằng: “Vì sự phục hồi của đất nước, tôi sẽ cống hiến phần đời còn lại của mình để đào tạo những thanh niên có lòng dũng cảm, sức mạnh, sự khoan dung và tình yêu công lý.” Tại chính thị trấn Tadotsu quê nhà, ông đã mở một đạo trường và bắt đầu dạy mọi người cách đánh thức tiềm năng của mình thông qua những giáo lý Phật giáo.

Nhưng nhận thấy rằng chỉ thuyết giảng thì không đủ thay đổi suy nghĩ của mọi người, Tông Đạo Thần quyết định truyền dạy những kỹ thuật trong La Hán Quyền mà ông đã học khi ở Trung Quốc. Những kỹ thuật mà ông mang về từ Đại Lục đã trở thành nền tảng cơ bản của Shorinji Kempo: mọi kỹ thuật cần hai người để luyện tập. Và bắt đầu từ những con người có cơ thể khỏe mạnh và trí tuệ minh mẫn, một xã hội yên bình dần dần được xây dựng.

Tông Đạo Thần không chỉ dạy mọi người quyền thuật mà còn sử dụng cơ hội đó để hướng dẫn họ tự phát triển bản thân dựa trên giáo lý của Đức Phật. Nhờ đó, ông đã tạo cơ hội cho mọi người học cách tin tưởng và hợp tác với lẫn nhau để cùng tạo nên nòng cốt của sự yên bình trong một xã hội loạn lạc, đói kém và bị thống trị bằng luật lệ của những kẻ mạnh.

Những giáo lý đầu tiên của Shorinji Kempo – khả năng tự vệ, phát triển tinh thần và cơ thể khỏe mạnh

Môn võ mà Tông Đạo Thần học được ở Trung Quốc là Bắc Thiếu Lâm Nghĩa Hòa Môn Quyền, vốn có nguồn gốc từ võ thuật và phương pháp rèn luyện thể chất của Phật giáo. Môn võ này được tạo ra không phải với mục đích đánh bại người khác mà để kiềm chế và cân bằng bản thân, để cùng tiến bộ thông qua luyện tập. Shorinji Kempo là sự phát triển và bảo tồn truyền thống này. Thông qua việc tập luyện Shorinji Kempo, võ sinh sẽ nhận được 3 điều: khả năng tự vệ, tinh thần kiên định và cơ thể khỏe mạnh.

Tông Đạo Thần truyền dạy La Hán Quyền cho những người trẻ để tập trung họ tại đạo trường và từ đó, ông tạo cho họ những kinh nghiệm để có thể đối mặt những thử thách trong đời thường thay vì từ bỏ giấc mơ của mình. Ông nhận thấy rằng, nhờ các phương pháp luyện tập sức khỏe và tinh thần của La Hán Quyền, lớp trẻ đã có được sự tự tin, lòng dũng cảm cũng như cơ thể khỏe mạnh. Ông tạo ra phương pháp tập luyện Ken Zen Ichinyo (Quyền và Thiền là một) và sự cân bằng trong Riki Ai Funi (Sức mạnh và tình yêu thương không tách rời). Đặc trưng của Shorinji Kempo chính là phương pháp tập luyện của môn võ này. Ông đặt tên giáo lý của mình là Kim Cương Thiền, theo tên chữ Hán trong Thiền tông Phật giáo của hai vị thần vương Ấn Độ đã sáng tạo ra La Hán Quyền.

Trên đây là những bước mà Shorinji Kempo đã bắt đầu tại Nhật Bản. Những kỹ thuật và giáo lý của môn phái ngày nay được giới trẻ tại nhiều nước luyện tập và họ đang góp phần Shorinji Kempo trên toàn thế giới.


Ảnh: Khai tổ Tông Đạo Thần thị phạm kỹ thuật, khoảng cuối thập niên 1940. Nguồn: WSKO.