半ばは自己の幸せを、半ばは他人の幸せを

Ý nghĩa của việc luyện tập

Dịch từ tuyển tập bài giảng The Words of Doshin So.

Tôi biết mình đã nói đi nói lại điều này, nhưng trong thời đại của bom nguyên tử, súng máy và bom na-pam như Hoa Kỳ đã sử dụng ở Việt Nam trong kỷ nguyên của vũ khí giết người hàng loạt thì chuyện ai đó giơ nắm đấm lên và nói, “Lại đây, tao chấp mày luôn”, thật là lố bịch.

Một người dù có bỏ công sức luyện tập để đánh bại người khác hay giết chết một con thú chỉ bằng tay không thì cũng chẳng được ai coi là vĩ đại.

Dù vậy, tôi vẫn nghe thấy những lời kiểu như: “Tôi có thể nhấc chân cao hơn gã đó 5cm”, “Tôi có thể chặt vỡ 10 viên gạch bằng tay không”, hoặc “tanomou, osu” và tôi chỉ muốn nói với họ, “Đừng làm trò cười nữa.” Chúng ta hành xử như thể đã hiểu lẽ đúng sai, nhưng không chỉ người khác mà cả chúng ta hoá ra cũng không nhận thức được hết.

Theo tôi, nói đến chiến đấu thì phải có điểm kết thúc. Dù bạn có đánh gục ai đó một hay hai lần thì cũng chưa thể nói rằng xung đột đã chấm dứt. Nếu bạn khổ luyện trong ba năm để biến cơ thể mình thành vũ khí và rồi nhận ra là vì lý do nào đó mà bạn muốn giết một người thì cách tốt nhất để giết người đó là rút súng ra và bóp cò.

Đó chính là lý do vũ khí ra đời.

Thế nhưng vẫn có rất nhiều người, vì hiểu sai ý nghĩa của việc luyện tập Shorinji Kempo, vẫn cư xử thật ngu xuẩn.

Shorinji Kempo khác với võ thuật cổ truyền Nhật Bản và phương pháp rèn luyện tinh thần độc đáo của môn phái phải được trân trọng. Tất nhiên là tinh thần có thể được phát triển bằng việc toạ thiền hay leo núi, và vừa tụng kinh vừa dội nước lên đầu cũng có thể được gọi là rèn luyện tinh thần. Môn võ nào cũng nhận là phát triển tinh thần. Và rõ ràng là tinh thần có thể được rèn luyện đến một mức độ nhất định bằng cách tập trung vào sự gan lỳ và ý chí chiến đấu. Nhưng khi bàn đến điều mà xã hội cần, về những yếu tố cơ bản và thiết yếu, thì chúng ta sẽ bàn về kiểu rèn luyện tinh thần nào đây?

Khi gọi ai đó là một người có nhân cách, chúng ta muốn nói rằng người đó không chỉ là một học giả, một người can trường, hay người có thể chịu đựng gian khổ, đau đớn, nghèo khó. Rèn luyện sức chịu đựng là tốt, nhưng chỉ có vậy thôi thì sẽ là quá thụ động. Một người có nhân cách là người biết cách thúc đẩy người khác và diễn đạt quan điểm của riêng mình. Nói ngắn gọn, đó là người, như chúng ta vẫn nói, hành động “một nửa vì mình, một nửa vì người khác“. Người có thể làm được điều đó được coi là đã tu dưỡng được bản thân.

Hãy nhìn bức tranh tường của Thiếu Lâm Tự ở Trung Quốc. Mọi người hăng say luyện tập theo đôi, đấm đá quật ném với nét mặt vui vẻ, đắm mình vào các kỹ thuật khác nhau. Bức tranh đó thể hiện cách chúng ta sống: không một ai tìm cách đánh bại người khác cả.