Về Manji và Sōen, hai biểu tượng đồng hành cùng Shorinji Kempo.
Sōen (双円 – Song Viên) và Manji (卍 – Vạn Tự) là hai biểu tượng gắn liền với Shorinji Kempo qua các giai đoạn phát triển và mang những ý nghĩa quan trọng đối với môn phái.
Sōen
Ngày 1 tháng Tư năm 2005, sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với biểu tượng Manji, Shorinji Kempo chính thức chuyển sang sử dụng biểu tượng mới: Sōen – có nghĩa là hai vòng tròn đan vào nhau.
Việc chuyển đổi này là một bước ngoặt trọng đại với môn phái. Nó đánh dấu thời điểm Shorinji Kempo trở thành một thương hiệu và tài sản trí tuệ được công nhận và bảo vệ trên toàn thế giới. Sōen chính là biểu tượng cho thương hiệu Shorinji Kempo với tư cách là một tổ chức thống nhất và duy nhất.
Hai vòng tròn trắng-đen tượng trưng cho âm – dương, ngày – đêm, sức mạnh – lòng nhân ái, trí tuệ – từ bi, sự cân bằng của vũ trụ, và thể hiện đặc trưng Lực Ái Bất Nhị của Shorinji Kempo. Vòng tròn chính là hình dạng tối thượng của Manji, vốn là biểu tượng cho khởi nguồn của sự sống.
Hai vòng tròn lồng vào nhau còn gợi liên tưởng đến biểu tượng vô hạn (infinity) của phương Tây. Vì Shorinji Kempo đã có mặt trên khắp các châu lục nên Sōen cũng gợi ý về hòa bình và hợp Đông – Tây, giữa các quốc gia và dân tộc.
Tấm khiên bao quanh hai vòng tròn tượng trưng cho sự bảo vệ chân lý, chính pháp và chính nghĩa. Bốn nhánh của khiên với bốn chấm tròn tượng trưng cho bốn phương (Đông – Tây – Nam – Bắc) và Thiên-Địa, âm-dương trong quan niệm Á Đông.
Logo chính thức của Shorinji Kempo bao gồm Sōen đi kèm với tên môn phái viết bằng chữ La Mã và chữ Hán.
Manji
Manji (Vạn Tự) là một biểu tượng lâu đời của Phật Giáo, được Khai tổ Tông Đạo Thần lựa chọn làm biểu tượng của môn phái từ khi mới thành lập vì khi đó Shorinji Kempo hoạt động với tư cách một tôn giáo tại Nhật Bản.
Manji không chỉ tượng trưng cho khởi nguồn của sự sống và vũ trụ mà còn tượng trưng cho công đức vô lượng của Đức Phật và là một trong Tam thập nhị hảo tướng của Phật.
Các môn sinh Shorinji Kempo thường đeo phù hiệu Omote Manji (Biểu Vạn Tự – chữ Vạn mở, quay sang bên trái) trên ngực trái. Đó là biểu tượng của tình yêu thương và lòng vị tha, những điều mà họ muốn thể hiện ra bên ngoài. Biểu tượng Ura Manji (Lý Vạn Tự – chữ Vạn đóng, quay sang phải) tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ thường không được sử dụng trên đồng phục vì nó đại diện cho những điều mà Shorinji Kempo không muốn phô trương.
Màu của Manji được dùng để biểu thị cấp bậc của người mang nó. Các môn sinh bình thường mang Manji màu xanh lục; các vị thầy, tùy cấp bậc mà mang Manji màu đỏ, cam hoặc vàng.
Khi Shorinji Kempo chuyển đổi sang biểu tượng mới thì cấp bậc được thể hiện trên phù việu vai (sodesho) và viền của đai (obi).